5 lễ hội truyền thống độc đáo nhất hà giang

Hải Yến 12/10/2020
5-le-hoi-truyen-thong-doc-dao-nhat-ha-giang

Hà Giang là một xứ sở với các lễ hội truyền thống vô cùng đặc sắc, không chỉ thu hút du khách khắp mọi miền đất nước mà bạn bè thế giới cũng vô cùng thích thú khi ghé thăm. Có thể các lễ hội của đồng bào vùng cao tỉnh Hà Giang không có quy mô rộng lớn như những lễ hội vùng xuôi nhưng với những giá trị nguyên bản, nó đã tạo nên nét đặc sắc riêng, độc đáo. Nếu bạn tò mò về những nét đẹp văn hóa này thì hãy cùng Tour Coach khám phá nét độc đáo của những lễ hội truyền thống tại Hà Giang qua bài viết dưới đây nhé!

 

Lễ hội Lồng Tồng của người Tày
Lễ hội Lồng tồng cũng thường gọi là Hội xuống đồng, là một lễ hội của người đồng bào dân tộc Tày, cũng là nét quy tụ những sắc thái văn hóa đặc trưng nhất của các dân tộc như: Nùng,Dao, Sán Chỉ…. Được xem là hoạt động tín ngưỡng cầu trời cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, đời sống ấm no.. Hàng năm vào mùa xuân, người ta tổ chức cúng trên một đám ruộng nhất định trước bản.


Lễ hội thường được chia thành 2 phần chính là phần lễ và phần hội. Trong đó, phần lễ là các nghi thức cúng lễ, được dân làng tin tưởng đọc các bài khấn và cầu thần Nông, thần Núi, thần Suối… Các vị thần bảo hộ cho mùa màng và sức khoẻ, cũng như sự bình yên cho dân làng.
Sau phần lễ là phần hội, với các tiết mục văn nghệ đặc sắc như hạt cọi, hát then được trình bày từ các cô gái thôn trong xã. Ngoài ra, lễ hội còn có nhiều trò chơi thú vị như: Kéo co, thi cày ruộng, đẩy gậy, ném còn thu hút bà con tham gia.

 

Lễ hội Gầu tào của đồng bào Mông
Với đồng bào Mông thì lễ hội Gầu tào có nghĩa là hội chơi đồi hay hội chơi núi mùa xuân -  được coi là tiêu biểu nhất. Đối với người Mông, khi hai vợ chồng lấy nhau đã lâu mà không có con trai, gia đình sẽ mời thầy cúng đến làm lễ cầu trời đất, thần linh và hứa nếu sinh được con trai thì họ sẽ tổ chức lễ hội cho mọi người vui xuân.
Lễ hội thường được tổ chức sau ngày mùng 2 tết, kéo dài 1 đến 3 ngày trên những khu đồi tương đối bằng, thuận đường đi lại.


Nghi lễ khai hội là điệu múa khèn, tiếp theo là cảnh hát hội do ông chủ hội (một người cao tuổi có uy tín trong làng) và một vài ông già hát dẫn lời. Kết thúc phần lễ, phần hội diễn ra rất sôi nổi khắp quả đồi rộng. Chỗ này là đám thi bắn nỏ, quay cù, chỗ kia là từng tốp các chàng trai, cô gái chơi đánh yến, ném quả pao, hát gầu plềnh… Đặc sắc nhất chính là thi múa khèn, Người ta thi múa khèn trên cọc, những tay khèn cao thủ còn làm những động tác khá nguy hiểm như uốn người qua một đòn gánh bắc ngang trên chảo thắng cố… Các trò chơi diễn ra vô cùng hào hứng, mặc dù phần thưởng cho người thắng cuộc chỉ là một bầu rượu ngô. Lễ hội kết thúc nhưng đồng bào còn chơi xuân đến hết rằm tháng giêng mới bắt tay vào lao động sản xuất.

 

Lễ hội cấp sắc của người Dao
Còn gọi là lễ Lập tịnh chỉ có ở nam giới. Theo quan niệm của người Dao, nếu đàn ông chưa trải qua lễ cấp sắc dù già vẫn được coi là trẻ con vì chưa có thầy Cấp sắc
Lễ cấp sắc có mục đích là chuyển từ giai đoạn trẻ con lên người đàn ông trưởng thành. Người đàn ông cao tuổi mà chưa trải qua lễ cấp sắc thì cũng bị coi như chưa trưởng thành. Ngược lại, dù còn ít tuổi nhưng đã trải qua lễ cấp sắc thì người đó được phép tham dự bàn bạc những công việc của làng bản, dòng họ…


Lễ cấp sắc có rất nhiều nghi lễ như: lễ đội đèn, lễ cây giữ đèn, lễ hạ đèn, lễ giao binh mã, lễ trình diện Ngọc Hoàng, lễ cấp bản sắc, lễ tạ ơn ma tổ tiên và thần thánh… Xen lẫn giữa các nghi lễ là rất nhiều điệu múa nghi lễ cổ truyền của người Dao.

 

Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn
Lễ nhảy lửa thường được tổ chức vào cuối năm, khi thời tiết đang bước vào thời kỳ khắc nghiệt nhất của mùa đông. Ðống lửa sẽ giúp mang lại sự ấp áp, mừng cho một vụ thu hoạch hoa màu vừa kết thúc và cầu thần linh phù hộ cho an khang thịnh vượng cũng như xua đuổi tà ma, bệnh tật. Để bắt đầu một lễ hội nhảy lửa phải có một thầy mo đến làm lễ cầu thần linh, thời gian làm lễ kéo dài 1–2 giờ trước khi lễ hội nhảy lửa được bắt đầu.


Lễ hội này với nhiều nghi thức mang màu sắc thần bí như sau khi thầy cúng làm lễ xong, ý như là gọi các ma về nhập vào các cậu thanh niên - thường khoảng 12 thanh niên khoẻ mạnh - khi đó họ có thể nhảy trên than nóng, thậm chí có người còn bốc cả than nóng cho vào mồm … Với người Pà Thẻn thì nhảy lửa là một tục lệ mang tính chất cộng đồng, là dịp để mọi người cùng nhau vui vẻ, thư giãn.


Lễ cúng tổ tiên của người Lô Lô
Theo phong tục của người Lô Lô, khi gia đình có người chết từ 3 đến 4 năm, người con trưởng trong gia đình sẽ lập bàn thờ tổ tiên (ông tổ “duỳ khế”) và rước hồn lên bàn thờ, lập bài vị (hình người) để thờ cúng.

Người Lô Lô cho rằng, tổ tiên là những người thuộc các thế hệ trước, đã sinh ra mình và chia thành hai hệ: tổ tiên gần (duỳ khế) – các ông tổ 3 đến 4 đời và tổ tiên xa (pờ xi) – những ông tổ từ đời thứ 5 hoặc thứ 6 trở đi. Các gia đình Lô Lô thường lập bàn thờ tổ tiên ở sát vách của gian giữa, đối diện cửa chính, có những hình nhân bằng gỗ, được cắm hoặc cài ở vách phía trên bàn thờ để tượng trưng cho linh hồn tổ tiên.

Bình luận
Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi cho chúng tôi bình luận đầu tiên của bạn.
VIẾT BÌNH LUẬN

Đăng ký nhận tin

Tổng hợp những chương trình tour theo tháng, du lịch vòng quanh thế giới với mức chi phí cực rẻ. Để nhận ngay những thông tin chương trình tour hot, Sale. Quý khách hàng vui lòng nhập thông tin email tại đây ! Thanks